Nhà máy dược phẩm xanh: Giảm một nửa nhân lực, tăng năng suất gấp ba

Một nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại không phát sinh bụi, giảm một nửa nhân lực tham gia dây chuyền nhưng năng suất tăng gấp 3 so với trước vừa được Công ty CP Traphaco khánh thành sáng nay tại Hưng Yên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trao Giấy chứng nhận GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc) cho TGĐ Công ty CP Traphaco Trần Túc Mã

Theo PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, Traphaco đang là doanh nghiệp "tách tốp" để ứng dụng các tiêu chuẩn như GMP/EU, GMP/PICs trong ngành dược.

Kiên trì "con đường xanh"

Sau 45 năm thành lập, từ một công ty nhỏ bé, Traphaco đang vươn lên nhóm doanh nghiệp hàng đầu ngành dược về vốn hóa thị trường, doanh thu và lợi nhuận, với mục tiêu vốn hóa đạt 10.000 tỉ đồng và lợi nhuận đạt 500 tỉ đồng năm 2020, với sản phẩm dựa trên nền tảng xanh: thân thiện và bảo vệ môi trường thông qua vùng nguyên liệu đang phủ xanh đồi trọc ở Bắc Hà và Sapa (Lào Cai), công nghệ sản xuất hiện đại không phát sinh bụi, hệ thống xử lý nước thải kiểm soát tự động đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường tốt nhất.

"Chúng tôi rất tâm đắc bởi đã đưa công nghệ hiện đại nhất thế giới về nhà máy trong thời gian ngắn nhất có thể" - bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco chia sẻ trong ngày khánh thành nhà máy Traphaco Hưng Yên sáng 8-11. 
Nhận được giấy phép đầu tư từ 2010, nhưng quá trình chuẩn bị và xây dựng hoàn thiện nhà máy này chỉ kéo dài trong vòng hai năm. 

Với thời gian ngắn và mục tiêu xây dựng nhà máy hiện đại nhất, toàn bộ đội ngũ Traphaco đã làm ngày làm đêm để biến một bãi đất trống thành nhà máy sản xuất tân dược xanh, hiện đại, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc) của Tổ chức Y tế thế giới và tiến tới phấn đấu đạt GMP của các nước EU.

Nhân lực giảm phân nửa, năng suất tăng gấp 3

Với ba phân xưởng và năm dây chuyền sản xuất thuốc viên, thuốc nhỏ mắt - mũi và thuốc nước - siro, công suất của nhà máy Traphaco Hưng Yên đạt 1,2 tỉ đơn vị sản phẩm/năm với toàn bộ nhà máy chỉ có 130 lao động. 

Nếu so sánh giữa công nghệ cũ và năng suất như trên thì nhân lực ở Traphaco Hưng Yên giảm một nửa nhưng công suất tăng gấp ba lần.

Cắt băng khánh thành Nhà máy Traphaco Hưng Yên

Ông Mathias Ehrtmann - Giám đốc phụ trách lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm Tập đoàn Rieckermann, Tập đoàn của Đức có bề dày 125 năm kinh nghiệm cung cấp máy móc thiết bị dược phẩm của thế giới, cho biết ngày nay công nghệ thổi - rót - hàn được xem là công nghệ vô trùng tiên tiến và hiện đại nhất thế giới. 

"Ở Việt Nam, Traphaco là công ty đầu tiên ứng dụng công nghệ này vào sản xuất thuốc nhỏ mắt. Với công nghệ BFS vô trùng, lọ thuốc được tạo từ hạt nhựa nguyên sinh, ngay sau đó được rót dịch thuốc và hàn kính trong quy trình vận hành tự động, liên tục trong môi trường sạch cấp A" - ông Mathias giải thích.

Cũng theo ông Mathias, với đặc tính đồng bộ, tự động và khép kín 100%, công nghệ BFS cho phép sản xuất ra những sản phẩm nhỏ mắt với độ vô trùng tuyệt đối, chất lượng tương đương các chế phẩm tiêm truyền sử dụng trong hậu phẫu tại bệnh viện, góp phần nâng tầm chất lượng dược phẩm ở VN và tiếp cận với xu hướng y học thế giới. 

Trong khi đó, PGS-TS Lê Văn Truyền tâm đắc với công nghệ không sinh bụi ở dây chuyền sản xuất thuốc viên - mỡ. Theo ông Truyền, do sản xuất nhiều sản phẩm trên một dây chuyền, điều lo ngại nhất của các nhà sản xuất là nhiễm chéo nguyên liệu nên "công nghệ không sinh bụi tránh hoàn toàn nguy cơ nhiễm chéo nguyên liệu" - ông Truyền đánh giá.

Mỗi năm riêng Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi 50.000 tỉ đồng tiền thuốc, ngành dược VN cũng đang tăng trưởng với tốc độ 20%/năm và 50% thị phần hiện đang dành cho thuốc ngoại. Việc đầu tư những nhà máy hiện đại như Traphaco Hưng Yên cho thấy dược phẩm nội địa đang vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại.

Camera theo dõi đến từng vỉ thuốc

Điểm độc đáo nhất của nhà máy này là hệ thống dây chuyền tự động và đồng bộ, ứng dụng quy trình quản lý thông minh: hệ thống có gắn camera hồng ngoại giúp phát hiện và loại toàn bộ sản phẩm lỗi như vỉ ép thiếu viên.

Tại dây chuyền sản xuất thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi sử dụng công nghệ BFS - thổi, rót, hàn tại chỗ, pha chế tự động với công thức được lập trình sẵn trên phần mềm.

Theo thạc sĩ dược học Nguyễn Thị Chinh - Quản đốc phân xưởng thuốc nhỏ mắt - mũi của Nhà máy Traphaco Hưng Yên, hệ thống này giúp thuốc được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, loại bỏ hoàn toàn sai sót có thể xảy ra do "yếu tố cảm xúc".

Trích nguồn Báo Tuổi Trẻ Online: https://tuoitre.vn/nha-may-duoc-pham-xanh-giam-mot-nua-nhan-luc-tang-nang-suat-gap-ba-2017110816125781.htm