Tin tức Oct 07, 2015

Traphaco đồng hành cùng nông dân trong tiến trình hội nhập

Tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2015 với chủ đề “Doanh nhân cùng Nông dân hội nhập”, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các doanh nhân đã cùng thảo luận, trao đổi và đưa ra nhiều giải pháp nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, tại diễn đàn này Traphaco cũng chia sẻ về mô hình liên kết Nông dân - Doanh nghiệp để đầu tư xây dựng các vùng trồng dược liệu sạch tại các địa phương; đồng hành cùng bà con nông dân phát triển kinh tế.

Diễn đàn tập trung vào các nội dung: Những cơ hội và thách thức đặt ra đối với hàng hóa nông sản VN từ các Hiệp định Thương mại thế hệ mới; Cơ chế và chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Xây dựng mô hình liên kết Nông dân – Doanh nghiệp, Phát triển nông phẩm chuyên biệt có hàm lượng công nghệ cao… được chia thành nhỏ thành các phiên thảo luận. 

Các vị khách đăng ký tham dự Diễn đàn

 Tham dự Diễn đàn có TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN; TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI; TS Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư cùng đại diện các cơ quan chức năng, quản lí Nhà nước, lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp.

Về phía đại diện Ban Tổ chức có: Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; TS. Nguyễn Trung Kiên – Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn.

Bên cạnh đó, tới dự Diễn đàn còn có hơn 200 khách mời là đại diện các Sở, Ngành liên quan Trung ương và địa phương, các Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Năm nay, VCCI quyết định tổ chức Diễn đàn Doanh nhân với chủ đề “Doanh nhân cùng Nông dân hội nhập”. Diễn đàn được tổ chức năm nay có sự trùng hợp đó là Ngày Doanh nhân 13/10 và 14/10 là Ngày Nông dân, cho nên Diễn đàn được tổ chức vừa là sự kỷ niệm Ngày Doanh nhân vừa có nghĩa là kỷ niệm Ngày Nông dân và ngược lại. Ngày Doanh nhân và Ngày Nông dân năm nay lại trùng hợp với sự kiện quan trọng nhất của hai giới này đó là Hiệp định TPP vừa được ký kết.

Hơn 200 khách mời tham dự Diễn đàn

Hiệp định TPP đặt ra vấn đề tái cấu trúc nền nông nghiệp. Điều này là chắc chắn bởi các hộ nông dân đơn lẻ của nước ta không thể cạnh tranh, đương đầu với các trang trại phát triển trên thế giới. Vì vậy doanh nghiệp và nông dân phải liên kết với nhau để trở thành một tổ chức vững mạnh. Nhà nước tạo môi trường, điều kiện cho nông dân phát triển nhưng doanh nhân vẫn đóng vai trò trung tâm. Dù có liên kêt 3 nhà hay 5 nhà thì doanh nhân vẫn phải đóng vai trò trung tâm – đó là sự căn bản của nền kinh tế thị trường. “Ở đâu có doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào nông dân thì ở đó nông nghiệp thành công. Chúng ta đã có những mô hình như vậy và việc nhân rộng các mô hình như vậy là vô cùng quan trọng.” – ông Lộc nhấn mạnh.

Với tham luận “Những cơ hội và thách thức đặt ra đối với hàng hóa nông sản VN từ các Hiệp định Thương mại thế hệ mới”, TS. Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, suốt 30 năm đổi mới, với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự lao động cần cù của người nông dân và cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng trong xã hội thì nền nông nghiệp đã có sự phát triển. Nông nghiệp phát triển đều trong khu vực và trên thế giới. Nền nông nghiệp đã là nền nông nghiệp mở với kim ngạch xuất khẩu gần 31 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm khoảng 23% toàn quốc; đã có 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và các mặt hàng có sự phát triển rất tốt…

TS. Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Theo Thứ trưởng, đến nay, Việt Nam đã ký 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đầu năm 2015 đã ký các Hiệp định FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á – Âu (EU), trong đó có các cam kết mở cửa thị trường trong nước đối với hàng hóa nông lâm thủy sản. Việt Nam là nước đầu tiên trong ASEAN kết thúc đàm phán và ký Hiệp định FTA với EU vào đầu tháng 8/2015; đã cơ bản kết thúc đàm phán với 11 nước đối tác TPP. Từ các Hiệp định FTA mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên của G-20 và gần nhất là cộng đồng chung ASEAN.

Thời gian tới, việc ký và triển khai các FTA thế hệ mới sẽ làm cho môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trở nên thuận lợi hơn, cạnh tranh ở tầm cao hơn trong khu vực. Đồng thời, sẽ tiếp tục mở cửa thị trường nhập khẩu các nông sản hàng hóa mà Việt Nam không có thế mạnh và tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh.

Để tranh thủ thời cơ, tận dụng điểm mạnh, vượt qua thách thức, đẩy lùi nguy cơ, trong thời gian tới, theo Thứ trưởng cần thực hiện những giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hội nhập và các FTA thế hệ mới, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật. Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân phải nhận biết được cả cơ hội và thách thức đang rất cận kề để khai thác cơ hội và giảm thiểu tác động bất lợi.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động của các FTA để cung cấp căn cứ cho quá trình đàm phán, phân tích những rủi ro, ảnh hưởng đối với ngành nông nghiệp khi tham gia các FTA.

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản: Thực hiện tái cơ cấu sản xuất các ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực để đáp ứng được thị hiếu, yêu cầu của khách hàng tại các thị trường chính; Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh để cạnh tranh hiệu quả với hàng nhập khẩu;…

Bốn là, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành hàng.

Năm là, cải cách thể chế, bộ máy quản lý nhà nước và tăng cường năng lực hội nhập của bộ máy quản lý nhà nước.

Sáu là, điều chỉnh cơ chế chính sách như rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách để đề xuất sửa đổi bổ sung đồng thời xây dựng văn bản chính sách mới phù hợp với các nội dung cam kết và giải quyết vấn đề mới phát sinh; Phối hợp với các ngành khác để xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật và chính sách liên quan đến thương mại nông sản Việt Nam đáp ứng đúng yêu cầu trong các FTA…

Phiên thảo luận với nội dung “Xây dựng mô hình liên kết giữa Nông dân – Doanh nghiệp”

TS. Nguyễn Trung Kiên – đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn điều phối với sự tham gia của ông Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Huy Văn – Phó TGĐ TRAPHACO; ông Nguyễn Hồng Phong – GĐ CTCP công nông nghiệp Tiến Nông.

 “Tại phiên thảo luận này, các DN sẽ chia sẻ khó khăn thách thức trong mô hình liên kết này để cùng nhau nhìn nhận và đưa ra các giải pháp để làm sao xây dựng tốt mô hình liên kết giữa Nông dân – Doanh nghiệp” – TS Nguyễn Trung Kiên nói.

Ông Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết, liên kết là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Cách đây 70 năm, khi nước ta mới bắt đầu được khai sinh, lúc ấy nước ta mới có 2 triệu dân, nhưng Bác Hồ đã thu hút được hàng triệu nông dân làm kinh tế.

Bối cảnh hiện nay đã hoàn toàn khác, chúng ta có hội nhập. Đúng là hội nhập đã tạo ra thách thức, khó khăn cho nông nghiệp, nhưng bên cạnh đó cũng là cơ hội rất lớn. Thế nhưng, tại sao cơ hội lớn như vậy mà nông dân lại bỏ ruộng, không mặn mà với nông nghiệp nữa? Câu trả lời chính là sản xuất nông nghiệp hiện nay không hiệu quả.

Diện tích để sản xuất nông nghiệp của nước ta ngày càng bị thu hẹp. Cả nước chỉ có khoảng 10 triệu lao động cáng đáng việc nhà nông. Trong bối cảnh đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân phải hoàn toàn khác. DN phải nghiên cứu sao cho nâng cao được năng suất trên chính mảnh đất của người nông dân. Phải tổ chức lại nông nghiệp  để có thể hiện đại hóa ngành nông nghiệp nước ta.

“Hiện, chúng tôi đang phối hợp với Hội Nông dân triển khai đầu tư cho nông dân các tỉnh phía Bắc nguồn vật tư, nguồn tiền, đáp ứng được nuôi trồng, canh tác nông nghiệp để nông dân có thể yên tâm sản xuất. Tôi tin rằng, trong tương lai, nông dân trở nên giàu có, người làm nông nghiệp sẽ có điều kiện tốt hơn và đất nước ta sẽ trở nên thịnh vượng” – ông Phong nói.

Ông Nguyễn Huy Văn – Phó TGĐ TRAPHACO đã trình bày về vấn đề “Liên kết phát triển bền vững dược liệu Việt Nam trong xu thế hội nhập”. 


Ông Nguyễn Huy Văn – Phó TGĐ TRAPHACO

Theo đại diện của Traphaco, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu ở nước ta chậm chạp, chưa xứng tầm tiềm năng vốn có của nó. Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi vùng trong cả nước và đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, những năm qua, việc xây dựng mối liên kết giữa “4 nhà” bao gồm nhà nông (người nuôi trồng), nhà doanh nghiệp (sản xuất thuốc hoặc kinh doanh), nhà khoa học (các trường và viện nghiên cứu về dược liệu và thuốc) và nhà nước (Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý dược liệu) đã được một số doanh nghiệp triển khai.

Nhưng thực tế quá trình  phát triển dược liệu trong những năm qua ở Việt Nam cho thấy sự liên kết này còn rất lỏng lẻo do cơ chế thiếu đồng bộ giữa các cơ quan nghiên cứu, quản lý, doanh nghiệp và người dân. Nhà nước và các nhà khoa học còn chưa quan tâm nhiều đến thị trường, do đó định hướng nghiên cứu và kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Nguyên nhân là do chưa có cơ chế và giải pháp đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu trong nước cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây thuốc, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống cây thuốc, kỹ thuật nuôi trồng, bảo tồn và phát triển nguồn gien cây thuốc, tiêu chuẩn hóa, sản xuất thành phẩm chưa được quan tâm và đầu tư đủ mạnh….Quan trọng hơn nữa là việc liên kết phát triển các loại dược liệu trong những năm qua ở Việt Nam đang còn ở quy mô nhỏ.

Ông Văn cũng đưa ra giải pháp tăng cường liên kết và tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu trong nước. Cụ thể:

Về phía Nhà nước: Các chính sách của Đảng và Nhà nước cần được thể chế hoá theo hướng đầu tư mạnh mẽ vào một chương trình quốc gia với các hành động cụ thể, đồng bộ; Cần chọn một số doanh nghiệp có năng lực để đầu tư mạnh mẽ, hỗ trợ, đảm bảo xây dựng mô hình phối hợp bốn nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông nhằm xây dựng vùng sản xuất dược liệu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, cung cấp dược liệu tốt và ổn định cho công nghiệp dược, y học cổ truyền và xuất khẩu.

Về doanh nghiệp dược: Công nghiệp dược lấy dược liệu làm nền tảng, vì thế cần phải khai thác nguồn cây thuốc thiên nhiên hợp lý, có quy trình kỹ thuật khai thác đảm bảo tái sinh và luân chuyển vùng khai thác; bảo tồn đi đôi với phát triển nuôi – trồng dược liệu để sử dụng; Tổ chức phát triển các vùng trồng cây dược liệu…

Đối với nhà khoa học: Các nhà khoa học, các cơ quan xúc tiến thương mại trung ương tìm kiếm cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới, giống mới để di thực trồng thuần hóa tại Việt Nam, đồng thời nghiên cứu phải gắn liền với thực tế và có chiến lược cụ thể. Chủ động hợp tác với doanh nghiệp trong triển khai đề tài nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời chủ động hợp tác với người dân để bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật làm thuốc.

Đối với nhà nông: Sản xuất phải có định hướng và đảm bảo được đầu ra; đảm bảo sản xuất ra dược liệu có chất lượng tốt từ sự đầu tư đầy đủ về giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái, chế biến và bảo quản; liên kết với nhau thành một tổ hợp hay hợp tác xã để có vùng trồng cây thuốc với quy mô, diện tích lớn, chấm dứt tình trạng manh mún, riêng lẻ, tiến tới có đại diện ký kết hợp đồng, thương lượng giá cả cũng như các điều khoản khác nhằm đảm bảo quyền lợi cho người trồng cây thuốc.

Cũng theo ông Văn, vấn đề của liên kết là cung cấp đầu vào mà trong đó quan trọng cần liên kết để phát triển tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân và nếu sản phẩm đó tham gia được vào chuỗi giá trị quốc gia và chuỗi giá trị toàn cầu thì mới hoàn thiện.

Kết luận tại Diễn đàn, TS Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, đây là một diễn đàn có ý nghĩa trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Diễn đàn đã tập trung nói những vấn đề lớn trong chính sách phát triển nông nghiệp của đất nước như: vấn đề về cơ chế chính sách cho nông nghiệp, sự liên kết mô hình Nông dân – Doanh nghiệp, đầu tư cho công nghệ vào nông nghiệp…

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đã và đang thường xuyên rà soát lại các văn bản chính sách để xử lý các vấn đề còn tồn tại, bất cập. Với việc làm này hy vọng sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển nền nông nghiệp phù hợp với thị trường và hội nhập quốc tế.

“Bộ NN&PTNT ghi nhận những kiến nghị của các DN trong Diễn đàn hôm nay và chắc chắn có những việc chúng tôi sẽ làm ngay và có những việc sẽ tiếp thu, xem xét. Bộ cũng sẽ tiếp tục có những diễn đàn để lắng nghe trao đổi với các DN để đưa các chính sách nông nghiệp đi vào cuộc sống, đồng thời tiếp tục tạo nên sự gắn kết chuỗi trên nền giải pháp của tái cơ cấu nền nông nghiệp, đầu tư cho công nghệ…” – Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, Bộ NN&PTNT có đầu mối Vụ quản lý doanh nghiệp hiệp hội để tiếp thu các ý kiến, tham mưu cho Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ về những vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Do vậy, các DN và Hiệp hội có thắc mắc, ý kiến góp ý có thể gửi về để Vụ tiếp nhận và xem xét.