Tin tức Jun 10, 2016

Traphaco tham gia Tọa đàm: “Phát triển Dược liệu bền vững ”

Ngày 8-6, tại Hà Nội, với sự tài trợ của Công ty cổ phần Traphaco, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Y tế tổ chức Tọa đàm: “Phát triển Dược liệu bền vững ”. Đến dự với buổi tọa đàm có đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế cùng đại diện lãnh đạo một số địa phương, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, sản xuất dược liệu. Tọa đàm là diễn đàn để trao đổi về thực trạng nuôi trồng, thu hái, sản xuất, kinh doanh dược liệu; đề xuất những giải pháp, hoàn thiện chính sách để phát triển dược liệu bền vững .

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Thuận Hữu cho biết: Tại kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII vừa qua, Luật Dược (sửa đổi) đã được Quốc hội chính thức thông qua thay thế cho Luật Dược (cũ) được ban hành từ năm 2005. Luật Dược (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1- 1- 2017, đã đưa ra một loạt các chính sách, giải pháp nhằm khôi phục lại vị thế cho dược liệu, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền Việt Nam. Tăng cường quản lý, phát triển dược liệu và vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài mà Luật dược (sửa đổi) đã tạo ra tiền đề để ngành dược phát huy được vai trò, vị trí của mình trong thời gian tới. Mặt khác, muốn phát triển tốt ngành dược còn cần giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; quy hoạch phát triển công nghiệp dược; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, bác sĩ y học cổ truyền; quản lý xuất nhập khẩu dược liệu...

GS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược học cổ truyền cho biết: Hằng năm, ngành Dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc). Dược liệu thông quan qua cửa khẩu còn rất nhiều tồn tại như: không có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ…

Từ năm 2012-2015, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền phối hợp Thanh tra Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, Viện Dược liệu… đã tiến hành kiểm tra chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc đã cho thấy nhiều dược liệu không bảo đảm chất lượng dưới nhiều hình thức như bị làm giả, bị nhuộm chất màu, chế biến không đúng quy định…

Trước thực trạng đó, các đại biểu tham dự tọa đàm đã đưa ra nhiều giải pháp hướng tới sự phát triển bền vững, khôi phục vị thế cho dược liệu trong nước, trong đó, nhấn mạnh đến nhóm giải pháp về cơ chế chính sách nhằm củng cố hệ thống cung ứng dược liệu; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp và hộ cá thể đầu tư phát triển dược liệu; chính sách trong quy hoạch, đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển các sản phẩm từ dược liệu cũng như tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng dược liệu…

Theo Ths Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco, để phát triển dược liệu Việt Nam, vấn đề mấu chốt là giải quyết đầu ra (sản phẩm dược liệu, các sản phẩm chế biến từ dược liệu). Nhiệm vụ này không ai khác ngoài doanh nghiệp phải thực hiện. Những năm qua, Traphaco đã xác định con đường phát triển bắt buộc và cũng gần như là duy nhất là sản xuất dược phẩm có nguồn gốc từ thảo dược với phương châm “Công nghệ mới và bản sắc cổ truyền”. Nhận thấy rằng, chỉ có con đường phát triển bền vững mới mang lại giá trị thương hiệu lâu dài và tăng trưởng ổn định, Traphaco lựa chọn chiến lược phát triển “Con đường sức khỏe xanh”, nhằm góp phần phát triển nền "kinh tế xanh", trong đó đặc biệt tập trung xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu từ rất sớm. Bước ngoặt thật sự để tạo nên cú bứt phá ngoạn mục và toàn diện cho Traphaco chính là sự ra đời của Dự án nguyên liệu xanh (năm 2009) với mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Mối liên kết đó giúp công ty phát triển hướng đi với bốn mục tiêu chiến lược phát triển xuyên suốt, toàn bộ chuỗi giá trị từ dược liệu: nguyên liệu xanh; công nghệ xanh; sản phẩm xanh; dịch vụ xanh.


Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco phát biểu tại buổi tọa đàm

Từ kinh nghiệm quá trình phát triển, Ths Vũ Thị Thuận cho rằng, để bảo đảm người dân được sử dụng những sản phẩm tốt từ dược liệu cần sự chung tay góp sức của các đơn vị, các “nhà” nêu trên, trong những mối quan hệ phát triển. Chỉ có liên kết mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới, đồng thời giúp doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Mỗi “nhà” cần vào cuộc hiệu quả hơn nữa, nhằm tăng cường liên kết phát triển bền vững dược liệu Việt. Theo đó, các chính sách của Đảng và Nhà nước phải được thể chế hóa theo hướng đầu tư mạnh vào một chương trình quốc gia với các hành động cụ thể đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, sinh học, hóa dược và chính quyền các tỉnh, thành phố… Thành lập đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về cây thuốc và các chế phẩm từ dược liệu; đẩy mạnh nghiên cứu cây thuốc để có những quy trình khả thi, hiệu quả cho doanh nghiệp áp dụng, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện trồng trọt và thu hái. Có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân xây dựng các vùng nuôi trồng, khai thác dược liệu. Chọn một số doanh nghiệp có năng lực để Nhà nước đầu tư mạnh mẽ, hỗ trợ, bảo đảm để xây dựng mô hình phối hợp bốn “nhà”, tạo dựng vùng sản xuất dược liệu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, cung cấp dược liệu tốt, ổn định cho công nghiệp dược, y học cổ truyền và xuất khẩu; tổ chức phát triển các vùng trồng cây thuốc có nhu cầu sử dụng lớn.

Các nhà khoa học, các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, giống mới để di thực trồng thuần hóa tại Việt Nam, đồng thời nghiên cứu phải gắn liền thực tế và có chiến lược cụ thể. Chủ động hợp tác doanh nghiệp trong triển khai đề tài nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, chủ động hợp tác người dân để bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật làm thuốc.

Nhà nông cần có định hướng sản xuất và bảo đảm được đầu ra; bảo đảm sản xuất ra dược liệu có chất lượng tốt từ sự đầu tư đầy đủ về giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái, chế biến và bảo quản; liên kết với nhau thành một tổ hợp hay hợp tác xã để có vùng trồng cây thuốc quy mô, diện tích lớn, chấm dứt tình trạng manh mún, riêng lẻ.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo các tiêu chuẩn về “Thực hành tốt - GPs”, trong đó có thực hành tốt trồng và thu hái cây thuốc (GACP), bảo đảm chất lượng thuốc tốt, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong kết luận tọa đàm đã ghi nhận những ý kiến của đại biểu tham luận và cho biết sẽ tìm hướng khắc phục những tồn tại, như trong quy hoạch của phát triển Dược liệu, hiện đang có nhiều đơn vị quản lý với ý kiến đề nghị Bộ Y tế nhận nhiệm vụ phát triển cho ngành dược liệu.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kết luận buổi tọa đàm

"Sau tọa đàm này Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị gồm các bộ cùng các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nơi sử dụng là các bệnh viện để đưa ra những kiến nghị về quy hoạch phát triển dược liệu. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp Báo Nhân Dân khởi xướng những hội thảo tìm ra mô hình phát triển dược liệu gắn với Luật Dược mới ban hành" - Bộ trưởng cho biết.