Món ăn và vị thuốc từ quả vải
Vải còn có tên là lệ chi, đan lệ... Cả vỏ thân, rễ và hoa đều là những vị thuốc quý trong Đông y.
Thành phần hóa học: Cùi vải chứa đường, acid ascorbic, acid citric, protein, caroten, acid nicotic riboflavin, calci, sắt phốtpho. Vỏ quả chứa cyanidin glycosid, chất anthoxanthin màu vàng. Hạt vải có tanin, saponoid, dẫn chất glycin và flavonoid (quercetin, quercitrin). Theo Đông y, lệ chi nhục tính cam toan ôn; vào tỳ, vị, can. Tác dụng sinh tân dưỡng huyết, lý khí chỉ thống. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, mất nước, khát nước (phiền khát), nôn ói, đau bụng, đau răng, lao hạch, sưng hạch, viêm tấy khoang bàn ngón tay (đinh nhọt), sang chấn đụng giập xuất huyết. Lệ chi hạch tính vị cam sáp ôn, tác dụng ôn trung lý khí chỉ thống. Dùng cho các trường hợp thoát vị, đau do viêm loét dạ dày, thống kinh...
Một số các dùng vải chữa bệnh:
Chữa đau dạ dày: hạt vải 3g, mộc hương 2g. Nghiền thành bột. Uống với nước canh. Ngày dùng 3 lần.
Chữa đau bụng khi hành kinh hoặc sau khi đẻ: hạt vải đốt tồn tính 20g, hương phụ 40g. Tán bột. Ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 8g, chiêu bằng nước muối nhạt hay nước cơm.
Chữa tinh hoàn sưng đau: hạt vải đốt tồn tính. Ngày uống 4 - 6g, uống với rượu.
Chữa tiêu chảy do tỳ hư: quả vải 7 quả, đại táo 5 quả. Sắc uống.
Chữa nấc: quả vải 7 quả, gừng tươi 6g, đường đỏ vừa đủ. Sắc nước uống.
- Hoa vải có nhiều mật ngọt nên mật ong và phấn hoa vải thơm ngọt, nhiều chất dinh dưỡng; là thuốc chữa loét dạ dày và ruột, an thần, chữa ho khan, viêm họng, nhức đầu và một số bệnh thần kinh khác.
- Vỏ thân, rễ và hoa sắc lấy nước, dùng súc miệng chữa viêm họng, đau răng.
Một số món ăn - bài thuốc có vải:
Chân giò vải chín xào om: cùi vải chín 100g, thịt nạc chân giò 300g, trứng gà 2 quả. Thịt chân giò cắt lát làm đôi, dùng sống dao chần cho mềm, mỗi lát lại cắt thành 12 miếng. Trứng bỏ lòng đỏ, lấy lòng trắng. Đặt chảo trên bếp nóng, cho dầu rán vào, khi dầu sôi cho thịt heo vào rán cho chín vàng, gạn bỏ hết dầu còn trong chảo, cho giấm, đường, muối, chút rượu, nước bột gạo và cùi vải vào xào nhỏ lửa, thêm ít dầu rán chín và đổ ra đĩa. Dùng cho người cao tuổi, sản phụ sau đẻ, sau thời kỳ nằm bệnh dài ngày.
Cháo cùi vải: cùi vải chín 5 - 7 cái, gạo tẻ 40g. Đem nấu cháo. Dùng cho trường hợp nóng sốt, môi họng khô, khát nước (phiền khát).
Cháo củ mài, hạt sen, cùi vải: vải khô 12g, gạo tẻ 60g, củ mài 15g, hạt sen 12g. Nấu cháo cho người cao tuổi thường bị tiêu chảy buổi sớm (ngũ canh tả).
Vải tươi dùng ngay: vải chín tươi 5 - 10 quả, ngày ăn 2 - 3 lần. Dùng cho các trường hợp nôn khan, nấc cụt, nóng sốt khát nước, cơ thể suy nhược sau bị bệnh lâu ngày.
Kiêng kỵ: Người âm hư hoả vượng nên hạn chế dùng.
(Trích nguồn: Sức khỏe & Đời sống - Cơ quan ngôn luận Bộ Y tế)