Mar 27, 2016

Loãng xương

Loãng xương, thưa xương hay xốp xương là tình trạng giảm khối lượng của xương, giảm tỷ trọng xương. Khi khối lượng xương giảm dưới 25% thì chưa gây tình trạng bệnh lý và được gọi là thiểu sản xương, khi trọng lượng giảm trên 25% thì được gọi là loãng xương, xương trở nên giòn và rất dễ gãy.

Loãng xương được chia làm 2 loại: loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. 

-    Loãng xương nguyên phát: thường gặp ở người già do tình trạng lão hóa của mô xương.

-    Loãng xương thứ phát: có thể gặp ở mọi lứa tuổi, do các bệnh lý gây ra như suy sinh dục, cường vỏ thượng thận, cường cận giáp, cường năng tuyến giáp, rối loạn hấp thu…

Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về loãng xương nguyên phát, là loãng xương thường gặp và phổ biến hơn.

1.    Hiện tượng lão hóa mô xương xảy ra như thế nào?
Mô xương luôn liên tục được thay cũ, đổi mới. Hủy cốt bào phá hủy phần xương cũ, đồng thời tạo cốt bào tạo nên xương mới để bù đắp lại. Hai quá trình này cân bằng nhau ở người trưởng thành, tạo nhiều hơn ở người trẻ và hủy nhiều hơn ở người già. Có nhiều yếu tố tác động vào quá trình tạo – hủy xương này như dinh dưỡng, nội tiết, vận động. Ví dụ những người có chế độ ăn uống đầy đủ, hấp thu tốt, người vận động nhiều sẽ thúc đẩy quá trình tạo xương mạnh hơn. Phụ nữ mãn kinh bị thiếu hụt nội tiết tố estrogen thì quá trình tạo xương giảm đi rất nhiều. 

Chính vì vậy những người chế độ ăn không đầy đủ, hấp thu kém, ít vận động, hoặc phụ nữ mãn kinh sẽ bị loãng xương sớm hơn những người khác, mức độ loãng xương cũng trầm trọng hơn.

2.    Các triệu chứng của loãng xương nguyên phát
-    Đau xương: đau cột sống, vận động cột sống khó khăn, đau trong các ống xương. Đau thường tăng khi vận động nhiều, khi thay đổi thời tiết, 
-    Lưng bị còng và gù, chiều cao cơ thể thấp dần mỗi năm có thể tới 1 cm.
-    Rất dễ gãy xương, chỉ cần va chạm hoặc ngã nhẹ cũng dẫn đến gãy xương. Có 2 vị trí hay bị gãy là gãy cổ xương đùi và gãy xương cẳng tay. Đặc biệt gãy cổ xương đùi do loãng xương là một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm vì là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao và tốn kém về kinh tế.

3.    Dự phòng loãng xương nguyên phát:
Để phòng bệnh loãng xương ta cần lưu ý dự phòng sớm từ khi còn trẻ (bắt đầu từ khoảng 30 tuổi), bằng các biện pháp: 
-    Có chế độ ăn uống đầy đủ, hợp lý, nhất là ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như cua, ốc, cá, tôm.
-    Bổ sung các sản phẩm có chứa Canxi và Vitamin D.
-    Có chế độ vận động, tập thể dục thể thao hàng ngày.
-    Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu, uống cà phê, tránh ăn quá mặn hoặc quá ngọt vì những thói quen này ảnh hưởng tới việc hấp thu canxi.
-    Sử dụng thêm hormon thay thế (với phụ nữ mãn kinh dùng hormon sinh dục nữ, với nam giới mãn dục dùng hormon sinh dục nam) để phòng ngừa loãng xương.

4.    Điều trị loãng xương như thế nào?
Hiện nay có nhiều thuốc có tác dụng điều trị loãng xương như canxi, vitamin D, hormon sinh dục nam và nữ, calcitonin, biphosphonat. Nhưng để việc điều trị  đạt hiệu quả cao nhất người bệnh nên đi khám để được bác sĩ tư vấn kê đơn cho phù hợp với tình trạng bệnh của mình.

Gs. Ts. Trần Ngọc Ân