Tin tức Nov 09, 2023

Traphaco tham dự Hội nghị khoa học dược quốc tế 2023 với 3 báo cáo khoa học chuyên sâu

Ngày 8-10/11/2023, Công ty cổ phần Traphaco đồng hành và là nhà tài trợ Vàng cho Hội nghị khoa học dược quốc tế AFPS 2023. Tại chương trình, Traphaco đã tham gia với 3 báo cáo khoa học chuyên sâu và có gian hàng giới thiệu các sản phẩm mới của Công ty, đó là dòng Đông dược cao cấp, dòng thuốc tương đương sinh học, thuốc tân dược chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc.

Đoàn đại biểu Traphaco tại Hội nghị khoa học dược quốc tế AFPS 2023

AFPS là hội nghị chuyên ngành dược lớn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, được tổ chức luân phiên 02 năm một lần giữa các nước thành viên của Liên đoàn Khoa học Dược Châu Á. Liên đoàn được thành lập năm 2007 với mục đích kết nối và chia sẻ thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến ở lĩnh vực Dược-Sinh học trong khu vực và trên thế giới. Tại kỳ hội nghị lần thứ 8 này, Trường Đại học Dược Hà Nội được lựa chọn là đơn vị đăng cai tổ chức, có sự phối hợp của Trường Đại học Y- Dược TPHCM, với chủ đề “Hợp tác để đột phá trong khoa học Dược”, thu hút hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong của ngành Dược Việt Nam, Công ty cổ phần Traphaco luôn mong muốn được gặp gỡ, chia sẻ chuyên môn cùng những người làm nghiên cứu; đồng thời góp phần chắp cánh cho những công trình khoa học đạt được tính ứng dụng cao, phát huy hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe con người. Với Hội nghị lần này, Traphaco vừa tham gia về chuyên môn với 3 báo cáo khoa học, vừa là nhà tài trợ Vàng. Đến tham dự chương trình có ông Trần Túc Mã – Tổng Giám đốc Công ty, bà Đào Thúy Hà – Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh & Marketing, ông Nguyễn Huy Văn – Phó Tổng Giám đốc Nghiên cứu & Chất lượng, cùng đoàn cán bộ các bộ phận Nghiên cứu & Phát triển Đông dược, Nghiên cứu & Phát triển Ngoài Đông dược, Quản lý chất lượng-Pháp chế dược.

Ông Trần Túc Mã - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco tham dự Hội nghị

Bà Đào Thúy Hà - Phó Tổng Giám đốc Traphaco tham dự Hội nghị

Ông Nguyễn Huy Văn - Phó Tổng Giám đốc Traphaco tham dự Hội nghị

Tại Lễ khai mạc, bà Yahdiana Harahap, Chủ tịch Liên đoàn Khoa học dược châu Á cho biết, Hội nghị này sẽ phổ biến và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất về dược, những tinh hoa của công nghệ mới nhất trong ngành dược.

Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức, GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội chia sẻ khoa học Dược không phải là một ngành khoa học đơn thuần mà là một lĩnh vực đa ngành. Việc nghiên cứu phát triển một thuốc mới chưa bao giờ là dễ dàng, đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau, từ các nhà bệnh học phân tử để tìm kiếm các mục tiêu gây bệnh, đến các nhà hóa học, các nhà hóa dược để sàng lọc, chiết tách, phân lập… rồi đưa ra các ứng viên thử lâm sàng, đến các nhà dược lý để nghiên cứu độc tính, hiệu quả tiền lâm sàng, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của thuốc, bào chế dạng thuốc...

Vì vậy, Hội nghị này sẽ là cơ hội để các nhà khoa học cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới, kinh nghiệm mới, những kỹ thuật, giải pháp mới và tăng cường các mối quan hệ hợp tác, nhằm tạo ra những đột phá mới trong lĩnh vực khoa học dược.

Bà Yahdiana Harahap - Chủ tịch Liên đoàn Khoa học dược châu Á phát biểu tại Hội nghị

GS.TS Nguyễn Hải Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội phát biểu khai mạc

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ghi nhận những nỗ lực của Ban tổ chức hội nghị cùng sự tham dự và chia sẻ của tất cả các nhà khoa học và đề nghị các bên hợp tác để hướng đến một hệ thống y tế bền vững và hội nhập. Bà cho biết, ngành công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn hiện nay đang ở gần cấp độ 3, tức là 90% nguyên liệu nhập khẩu, sản xuất thuốc generic và xuất khẩu được một số dược phẩm. Giá thuốc tại Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với các nước trong khu vực.

Để từng bước phát triển bền vững ngành Dược Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023, với mục tiêu chung phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của tổ chức WHO; phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu làm thuốc; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội nghị

Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 của Traphaco đang đi rất đúng hướng với chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 của Chính phủ khi xác định mục tiêu" Giữ vững vị thế số 1 Đông dược – đầu tư phát triển Tân dược chất lượng cao".

Với Đông dược, Traphaco phát triển dòng Đông dược đặc trưng của Traphaco – Đông dược cao cấp với các sản phẩm có giá trị cao về công thức, hiệu quả tác động và bao bì sang trọng. Mỗi sản phẩm Đông dược của Công ty đều trải qua quá trình liên tục nghiên cứu, chứng minh, kiểm định chất lượng kỹ lưỡng không chỉ từ lúc hình thành mà còn sau khi đưa vào sử dụng. Tại Hội nghị, những thành quả nghiên cứu khoa học mới nhất đã được Công ty trình bày trước Hội đồng chuyên môn trong các báo cáo:

  • Thành phần hóa học và công dụng Rau đắng đất (Glinus oppositifolius) trên Fas và Srebp-1c cùng hoạt hóa ampk trong các dòng tế bào HepG2 và C2C12. – Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Thị Hà, Viện dược liệu Việt Nam – Chuyên gia hợp tác nghiên cứu của Traphaco.
  • Tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh của dịch chiết đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa) chống lại độc tính trên thần kinh gây ra bởi glutamate – Tiến sĩ Jae Wook Lee, Chủ nhiệm đề tài nghị định thư phía Hàn Quốc do Traphaco hợp tác triển khai.
  • Sàng lọc một số hoạt tính sinh học của các loài đinh lăng (Polyscias sp.) trồng ở Việt Nam – ThS. Vũ Hương Thủy, phòng NC&PT Đông dược CTCP Traphaco.

Đây là những công trình của Traphaco đầu tư, hợp tác triển khai trong vòng 3 năm gần đây nhằm đưa ra các bằng chứng khoa học hiện đại một cách rõ ràng về hiệu quả điều trị hiện có và các tác dụng mới của các dược liệu đạt GACP-WHO, những nguyên liệu xanh tạo nên các sản phẩm Đông dược chủ lực của Traphaco như Boganic, Hoạt huyết dưỡng não, Cebraton.

Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Thị Hà, Viện dược liệu Việt Nam trình bày báo cáo về "Thành phần hóa học và công dụng Rau đắng đất trên Fas và Srebp-1c cùng hoạt hóa ampk trong các dòng tế bào HepG2 và C2C12"

Tiến sĩ Jae Wook Lee trình bày báo cáo về "Tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh của dịch chiết đinh lăng lá nhỏ chống lại độc tính trên thần kinh gây ra bởi glutamate"

Báo cáo "Sàng lọc một số hoạt tính sinh học của các loài đinh lăng trồng ở Việt Nam" của ThS. Vũ Hương Thủy

Về tân dược, Traphaco đẩy mạnh sản xuất các thuốc tương đương sinh học, thuốc first generic thông qua tăng cường hợp tác khoa học, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Từ năm 2022 đến nay, chỉ trong vòng hơn 1 năm, đã có 7 sản phẩm của Công ty đạt chứng nhận Tương đương sinh học. Tương đương sinh học là sự tương tự nhau về sinh khả dụng giữa hai thuốc khi được so sánh trong cùng một điều kiện thử nghiệm. Đối với các thuốc có dạng bào chế giải phóng ngay và có tác dụng toàn thân thì tương đương sinh học trong điều kiện thử nghiệm phù hợp trên người đang được xem là tương đương về điều trị. Nghĩa là thuốc thử khi đã được chứng minh là tương đương sinh học thì có thể xem là tương đương về điều trị đối với thuốc biệt dược gốc (thuốc phát minh đã được bảo hộ độc quyền của nước ngoài) hoặc thuốc đối chứng đã được công nhận là an toàn, hiệu quả.

Gian hàng giới thiệu các dòng sản phẩm Đông dược cao cấp, dòng thuốc tương đương sinh học, thuốc tân dược chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc của Traphaco tại AFPS 2023

Thông qua hội nghị này, Traphaco cũng tìm thấy những triển vọng hợp tác để hướng đến một hệ thống y tế bền vững và hội nhập, từng bước góp phần hoàn thiện về thể chế, pháp luật; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược; đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển thuốc và nguyên liệu thuốc; thúc đẩy hợp tác quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược…