10/09/2018
Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức Khóa tập huấn về Phát triển Bền vững 2018 dành cho khối Truyền thông - Báo chí.
Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức Khóa tập huấn về Phát triển Bền vững 2018 dành cho khối Truyền thông - Báo chí. Khóa tập huấn nhằm mục đích cung cấp thông tin hỗ trợ các nhà báo, phóng viên hoạt động hiệu quả hơn trong lĩnh vực phát triển bền vững, giới thiệu các mô hình, thông lệ, sáng kiến kinh doanh tốt trong nước và trên thế giới, từ đó tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD phát biểu tại buổi tập huấn
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD chia sẻ, tháng 5/2017, 17 Mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) toàn cầu (SGDs) đã được Việt Nam quốc gia hóa và ban hành trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (VSDGs) với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Để thực hiện được kế hoạch này, cần có sự ủng hộ, chung tay của các lực lượng kinh tế - xã hội trong cả nước, mà khối Truyền thông - Báo chí đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, Báo chí là một lực lượng có sức mạnh to lớn trong việc nâng cao nhận thức, phổ biến thông tin đến toàn thể xã hội.
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để thực hiện chương trình nghị sự 2030, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động quốc gia gồm 5 nhóm vấn đề với các mục tiêu hết sức cụ thể. Qua đó thấy rõ được quyết tâm của Đảng và Nhà nước đối phát triển bền vững.
Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Huy Văn - Phó Tổng giám đốc đại diện Traphaco chia sẻ về việc phát triển doanh nghiệp gắn liền với phát triển bền vững cụ thể là phát triển chuỗi giá trị dược liệu bền vững cùng người thu nhập thấp tại Việt Nam. Theo ông Văn, Việt Nam là nơi có rất nhiều loài cây thuốc có giá trị (trên 4000 loài), tuy nhiên dược liệu đang được phát triển manh mún chưa có liên kết trong sản xuất và bao tiêu, chưa cơ giới hoá, tiêu chuẩn hoá. Năng suất và chất lượng còn thấp, giá thành cao nên chưa thể cạnh tranh trên thị trường (đặc biệt dược liệu nhập từ Trung Quốc).
Thấy rõ được vấn đề này, Traphaco đã đi đầu trong việc hợp tác với người nông dân, người dân tộc thiểu số phát triển mô hình trồng dược liệu bền vững. Traphaco đã ký hợp đồng với người nông dân từ cung cấp hạt giống, hỗ trợ kỹ thuật theo hướng dẫn của GACP-WHO, UEBT, Organic đến thu mua thành phẩm cho bà con. Qua nhiều năm triển khai, đến nay Traphaco đã có 05 vùng trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO của Bộ Y tế với trên 36.000 ha cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho công ty. Với mô hình phát triển dược liệu này, Traphaco đã tạo ra trên 20.000 lao động, trên 40% là đồng bào dân tộc ít người với thu nhập gia tăng từ 3 - 5 triệu đồng/hộ/tháng, cuộc sống của nhiều hộ dân đã thay đổi.
Ông Nguyễn Huy Văn - Phó Tổng giám đốc đại diện Traphaco chia sẻ về phát triển chuỗi giá trị dược liệu bền vững cùng người thu nhập thấp tại Việt Nam
Kết thúc khoá tập huấn, các học viên đã tiếp thu các nội dung kiến thức về định hướng chiến lược PTBV ở Việt Nam giai đoạn 2011-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Phát triển cộng đồng, Biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Doanh nghiệp xã hội hướng tới phát triển bền vững, Kinh doanh với người nghèo: Giải pháp dựa vào thị trường để giảm nghèo… Qua đó, thêm hiểu rõ hơn về phát triển bền vững trong doanh nghiệp và khẳng định khối Truyền thông - Báo chí sẽ luôn đồng hành với các doanh nghiệp nỗ lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển bền vững trên cả nước.
TRAPHACO
Tin nổi bật
Tin tức mới
Bài viết liên quan