17/04/2024
Sáng 17-4, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Đào Thúy Hà đại diện Công ty cổ phần Traphaco tới tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp nhằm chia sẻ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường, tham gia chuỗi cung ứng thông qua việc áp dụng các công cụ phát triển bền vững.
Các đại biểu, đại diện các bộ ngành, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, hiệp hội, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp tham gia chương trình
Diễn đàn do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tạo cơ hội thị trường bình đẳng cho phụ nữ và doanh nghiệp do nữ làm chủ thông qua mua sắm có trách nhiệm giới” (WE RISE Together) do Chính phủ Australia hỗ trợ thông qua Quan hệ Đối tác Mekong-Australia.
Diễn đàn chia sẻ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường, tham gia chuỗi cung ứng thông qua việc áp dụng các công cụ phát triển bền vững
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong lời phát biểu khai mạc diễn đàn cho biết: "Hiện nay, tại Việt Nam, hơn 20% chủ sở hữu doanh nghiệp vừa và nhỏ là phụ nữ; 51% doanh nghiệp Việt Nam có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu, cao hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đa số ở cấp thấp nhất của chuỗi cung ứng trong nhiều ngành và gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu mua sắm của các công ty lớn. Việc thực hiện các công cụ phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp chính là giải pháp hữu ích góp phần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng."
Phát biểu tại chương trình, bà Caroline T. Nyamayemobe - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: “Bằng chứng cho thấy các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn có nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh hơn."
Ông Nguyễn Quang Vinh và bà Caroline T. Nyamayemobe phát biểu tại Diễn đàn
Tại diễn đàn, hơn 100 đại biểu, đại diện các bộ ngành, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, hiệp hội, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp đã cùng tham gia chia sẻ và thảo luận. Các đại biểu, đại diện doanh nghiệp đã chỉ ra những nguyên nhân chính của thực trạng này bao gồm: sự hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn, thị trường mà phụ nữ phải đối mặt; sự thiếu hụt các mạng lưới hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ; ít các chương trình đào tạo và cơ hội cố vấn để trau dồi kỹ năng cho doanh nhân nữ; và những gánh nặng của công việc chăm sóc gia đình và định kiến về khả năng kinh doanh của phụ nữ là những rào cản không nhỏ...
Phiên thảo luận “Chính sách và thực tiễn – Thúc đẩy doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng”
Trong khuôn khổ chương trình, bà Đào Thúy Hà – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco đã tham gia với tư cách diễn giả trong phiên thảo luận “Chính sách và thực tiễn – Thúc đẩy doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng”. Trở thành một doanh nghiệp nổi tiếng, dẫn đầu về thuốc Đông dược, quan điểm phát triển của Traphaco luôn lấy trọng tâm là phát triển bền vững. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm có hiệu quả điều trị tốt, Traphaco đã có hơn 15 năm xây dựng và phát triển các vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP. Chính tại đây, câu chuyện Traphaco xây dựng cộng đồng sản xuất Actiso và một số dược liệu khác với trên 80% chủ thể tham gia liên kết là nữ giới đã được bà Đào Thúy Hà truyền tải một cách tràn đầy cảm hứng tới các đại biểu tham gia diễn đàn.
Bà Đào Thúy Hà chia sẻ trong phiên thảo luận
Với mô hình liên kết do phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ, nữ nông hộ được quyết định các nội dung công việc, gia tăng giá trị sản xuất, quảng bá bản sắc văn hoá dân tộc vùng cao; nữ nông dân được trang bị kỹ năng kinh doanh, kỹ năng marketing, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng quản lý tài chính, kiểm soát doanh thu… thông qua các buổi đào tập tập huấn do Công ty hoặc các đơn vị tư vấn hỗ trợ; từ đó góp phần nâng cao vài trò người phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Các công việc của người phụ nữ trong cộng đồng được nêu tên và được gia đình, cộng đồng, chính quyền ghi nhận; người phụ nữ tự chủ được tài chính, được trực tiếp quản lý tài chính và được quyền quyết định trong việc sử dụng tài chính và các công việc của gia đình.
Chị Sùng Thị Dở đang cắt lá Actiso trên cánh đồng của gia đình
Tích cực vận động và kiên trì thực hiện, mô hình do Traphaco đề xướng đã gia tăng giá trị thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại các vùng trồng từ 10-15% (đạt trên 50 triệu/năm). Họ có được môi trường làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù của bản thân, đồng thời vẫn có thể chăm lo được cho gia đình. Không chỉ vậy, để nâng cao vai trò bình đẳng giới, khi ký hợp đồng cũng như khi đi nhận tiền công, Công ty luôn mời người vợ và người chồng cùng tham gia, góp phần thay đổi mối quan hệ trong gia đình một cách tích cực và bền vững hơn, giúp cho họ có cuộc sống bình đẳng, có sự sẻ chia và cũng làm cho sự liên kết của Công ty bền vững hơn.
Sự tham gia của cả người vợ và người chồng trong hợp đồng với Traphaco thúc đẩy mối quan hệ trong gia đình của họ một cách tích cực và bền vững hơn
Công ty cũng đã tổ chức cho các hộ nữ tham quan vùng du lịch cộng đồng để họ có thêm nhận thức, tư duy, hình thành ý tưởng kinh doanh từ những mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa thảo dược, cũng là 1 thế mạnh của vùng đất Sa Pa. Như vậy, về lâu dài, các vùng trồng dược liệu của Traphaco là nơi bảo tồn và phát triển các loại dược liệu đặc hữu địa phương, đem tri thức quý về sử dụng cây thuốc của người đồng bào phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đồng thời cũng góp phần quảng bá thương hiệu dược liệu bản địa, phát huy văn hóa bản sắc dân tộc vùng cao, tạo ra mô hình du lịch mới thu hút khách du lịch. Đó, chính là cách Traphaco vừa thúc đẩy mô hình sản xuất có nữ giới làm chủ, vừa thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà Công ty luôn nỗ lực hướng tới.
Các hộ dân người H'Mông đang cắt lá actiso tại Sa Pả, TX. Sa Pa, Lào Cai
TRAPHACO
Tin nổi bật
Tin tức mới
Bài viết liên quan