27/06/2017
Bìm bìm là loài cây có hoa đẹp, nhiều màu sắc lại mọc nhanh và không cần chăm sóc cầu kỳ, nên ở nhiều nước cây thường được trồng làm cảnh, cho leo lên những tấm phên dựng đứng hoặc trên bờ rào, nhìn vào rất đẹp và vui mắt.
Bìm bìm là loài cây có hoa đẹp, nhiều màu sắc lại mọc nhanh và không cần chăm sóc cầu kỳ, nên ở nhiều nước cây thường được trồng làm cảnh, cho leo lên những tấm phên dựng đứng hoặc trên bờ rào, nhìn vào rất đẹp và vui mắt.
Ở Nhật Bản, bìm bìm là cây cảnh rất được ưa chuộng, người ta đã tiến hành lai giống, tạo ra gần trăm loại bìm bìm khác nhau.
Nhưng ở nước ta, mỗi khi nhắc tới loài cây này, nhiều người thường liên tưởng đến câu tục ngữ "giậu đổ bìm leo". Trong mắt nhiều người, đó là loài cây xấu, chuyên lợi dụng lúc người gặp nạn thừa cơ lấn át. Hoa bìm bìm dù đẹp, nhưng bị coi là thứ "hoa hèn", nên ít người trồng nó làm cảnh. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện y học, cũng như về giá trị thực dụng, thì định kiến nói trên là quá bất công.
Loài cây kỳ lạ
Bìm bìm là loài cây có rất nhiều đặc tính kỳ lạ. Cây mọc leo lên cao nhờ có thân cuốn, nhưng khác với những loài dây leo khác, dây bìm bìm chỉ quay theo hướng ngược kim đồng hồ, theo chiều Đông - Bắc - Tây - Nam. Hoa bìm bìm hình chuông, mọc thành xim ở kẽ lá, với 1 - 3 bông, có thể đổi màu. Từ sáng đến chiều, màu hoa chuyển từ lam nhạt sang hồng hoặc tím. Bí mật này, mãi về sau khoa học mới lý giải được. Sáng sớm, hoa bắt đầu phân giải chất đường và giải phóng khí CO2 ra ngoài, độ kiềm trong hoa tăng lên do nồng độ acid giảm xuống, nên cánh hoa có màu lam nhạt. Khi mặt trời lên cao, hoa bắt đầu hấp thụ thêm khí CO2 khiến cho độ acid trong hoa tăng lên, nên cánh hoa lúc này có màu hồng hoặc tím. Ban ngày, trời nắng, cánh hoa nở xòe ra, nhìn tựa như cái ô che nắng. Chiều đến hoặc lúc trời âm u, cánh hoa cụp lại, như chiếc ô đã gấp, lúc này hoa xoắn lại, theo chiều quay của kim đồng hồ, ngược với chiều quay của thân cây.
Bìm bìm còn có một tính năng rất quý nữa, đó là có thể hấp thụ một số chất có hại: sulfur dioxid, carbon dioxid, fluorine hydrid, chlorin và hydrogen sulfid... Do đó, trồng bìm bìm làm cảnh, còn có thêm tác dụng làm sạch môi trường.
Truyền thuyết về vị thuốc “dắt trâu”
Hạt bìm bìm trong Đông y có tên là "khiên ngưu tử", có nghĩa là "thằng bé dắt trâu". Vì sao vị thuốc lại có tên như vậy?
Xuất xứ của tên "khiên ngưu tử" được nói tới trong sách "Danh y biệt lục" của Đào Hoằng Cảnh (456 - 536), nhưng rất vắn tắt: "Vị thuốc này mọc ở ngoài đồng, có người dắt trâu đến tạ ơn thầy thuốc, nên có tên như vậy". Chuyện dắt trâu diễn ra cụ thể như thế nào, thì không thấy y thư mô tả. Tương truyền: Có bác nông dân, con mắc bệnh trướng bụng, đưa đi khám, được thầy thuốc cho uống một thứ thuốc tán. Mang về nhà uống, bụng đứa con bắt đầu nhỏ dần, chẳng bao lâu sức khỏe phục hồi như trước. Cả nhà vô cùng cảm kích, bàn đi bàn lại, cuối cùng quyết định mang con trâu vừa tròn 1 tuổi, đến biếu thầy thuốc để tỏ lòng biết ơn. Thế là, bác nông dân bảo con dắt trâu, cùng đến nhà thầy thuốc tạ ơn. Khi hỏi con mình đã được cho uống thứ thuốc gì mà khỏi bệnh, thầy nói: "Đó là thứ mọc hoang ở ngoài đồng, bản thân ta cũng chưa biết vị thuốc có tên là gì! Thằng bé đã dắt trâu tới, thì hãy gọi là "khiên ngưu tử" vậy!" Còn con trâu thầy thuốc từ chối nhất quyết không nhận, bác nông dân đành bảo con dắt trâu trở về. Nhưng từ đó, vị thuốc mới có tên là "khiên ngưu tử". "Tử" nghĩa là đứa con trai hoặc là hạt giống. Vì vậy "khiên ngưu tử" có thể hiểu là: "Thằng bé dắt trâu", mà cũng có thể hiểu là "hạt dắt trâu".
Vị thuốc "khiên ngưu tử" là hạt đã phơi hoặc sấy khô của cây bìm bìm. Hạt bìm bìm có 2 loại: màu nâu đen và màu vàng nhạt. Loại thứ nhất gọi là "hắc khiên ngưu tử" hoặc "hắc sửu", loại thứ hai gọi là "bạch khiên ngưu tử" hoặc "bạch sửu". Màu sắc của hạt không liên quan tới nguồn gốc thực vật của cây, nhưng phụ thuộc vào màu sắc của hoa: hoa màu thẫm (tím hoặc đỏ tía) cho hạt nâu đen; còn hoa màu nhạt (phớt hồng hoặc trắng) cho hạt màu vàng nhạt. Y gia thời cho rằng, "hắc khiên ngưu tử" có tác dụng nhanh và mạnh hơn, còn "bạch khiên ngưu tử" có tác dụng tương đối chậm và bình hòa hơn. Trên lâm sàng, thường dùng cả hai loại với cùng tác dụng.
Tác dụng phi thường
Đối với người nông dân thời xưa, con trâu là đầu cơ nghiệp", là thứ quý giá nhất có ở trong nhà; Đem cả gia tài đi tạ ơn, chứng tỏ hạt bìm bìm có thể chữa được cả những bệnh nan y. Sự tích dắt trâu tạ ơn, tuy đã được Đào Hoằng Cảnh ghi lại từ xưa, nhưng phải mãi về sau, với tài dùng thuốc của Lý Thời Trân (1518 - 1593), người đời mới biết rõ những tác dụng phi thường của thứ hạt tưởng như rất tầm thường này. Lý Thời Trân không chỉ là một nhà dược học uyên bác, mà còn là thầy thuốc rất giỏi. Sách "Bản thảo cương mục" còn ghi lại hai trường hợp mắc bệnh nan y, đã chữa trị nhiều nơi, nhiều thầy không khỏi, cuối cùng phải mời đến Lý Thời Trân và ông đã sử dụng hạt bìm bìm chữa cho khỏi bệnh. Ngoài ra, Lý Thời Trân còn phát hiện ra tác dụng mỹ dung, làm đẹp của hạt bìm bìm.
Từ đó, hạt bìm bìm - “khiên ngưu tử” mới thật sự trở nên nổi tiếng. Và cũng từ đó, trong tất cả các sách Đông dược thông dụng, “khiên ngưu tử” là vị thuốc không thể vắng mặt. Trong các sách Đông dược hiện đại, “khiên ngưu tử” được xếp trong nhóm thuốc "tuấn tả trục thủy", cùng với những vị thuốc như cam toại, đại kích, nguyên hoa, thương lục, ba đậu, thiên kim tử...
Theo Đông y, khiên ngưu có vị cay, tính nóng, hơi có độc, vào 3 kinh: Thủ thái âm phế, túc thiếu âm thận và thủ dương minh đại tràng. Có tác dụng tả thấp nhiệt ở khí phận, trục đờm, tiêu ẩm lợi nhị tiện (đại tiểu tiện) là thuốc chữa tiện bí, cước khí, chủ trị hạ khí, lợi tiểu tiện, chữa cước thũng (phù), sát khuẩn. Trên thực tế, khiên ngưu thường dùng làm thuốc thông đại và tiểu tiện, thông mật, còn sử dụng cả để trị giun.
Liều dùng mỗi ngày 4 - 8g.
Kiêng kỵ: người cơ thể hư nhược, phụ nữ đang có thai không dùng được. Theo tài liệu cổ: không được dùng khiên ngưu tử cùng với ba đậu.
Một số bài thuốc thường dùng khiên ngưu tử:
- Chữa các chứng thũng trướng: Dùng độc vị khiên ngưu tử, tán mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, dùng nước chiêu thuốc. Hoặc dùng khiên ngưu tử 10g, nước 300ml, sắc còn 150ml chia 2 lần uống trong ngày. Có tác dụng chữa phù thũng, nằm ngồi không được, uống thuốc nếu tiểu tiện nhiều được thì khỏi.
- Trướng bụng do xơ gan hoặc viêm thận mạn tính: Khiên ngưu tử 80g, hồi hương 40g; tất cả nghiền mịn, trộn đều. Mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần 8g, uống khi đói bụng, chiêu thuốc bằng nước sôi; uống liên tục trong 2 - 3 ngày.
- Chữa phù do viêm thận: Khiên ngưu tử 100g - nghiền mịn, hồng táo (táo tầu) 80g - hấp chín, bỏ hột, giã nát, gừng tươi 500g - giã nát vắt lấy nước, bỏ bã; tất cả đem trộn đều thành một thứ bột nhão, cho vào nồi hấp nửa giờ, trộn đều, lại hấp thêm nửa giờ nữa là được. Lượng thuốc trên chia đều thành 8 phần, ngày uống 3 lần - sáng, trưa, chiều, mỗi lần uống 1 phần, sau 2,5 ngày thì hết; kiêng muối trong 3 tháng.
- Trị giun đũa, giun móc: Khiên ngưu tử 8g, tân lang (vỏ quả cau) 8g, đại hoàng 4g; tất cả đem nghiền mịn, trộn đều, ngày uống 2 lần, vào sáng sớm và buổi chiều khi đói bụng, mỗi lần uống 3 - 4g, dùng nước sôi chiêu thuốc, trẻ nhỏ tùy theo tuổi cần giảm bớt liều.
Giữ gìn vẻ đẹp, chữa nám da
Cho đến nay, dân gian thường sử dụng hạt bìm bìm để làm mờ các nốt tàn nhang và vết nám, theo cách thức ghi trong sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân như sau: Dùng "hắc khiên ngưu tử" (hạt bìm bìm có màu nâu đen) nghiền thành bột mịn, trộn với lòng trắng trứng gà, tối trước khi đi ngủ xoa đều lên da mặt, sáng dậy rửa sạch; bôi liên tục, tới khi các vết nám mờ hết thì ngừng. Làm như vậy còn có tác dụng phòng và chữa trị mụn trứng cá.
Ngoài ra, hạt bìm bìm còn được sử dụng để giữ gìn vẻ dẹp theo một số cách khác như sau:
- Làm mịn da mặt: Hắc khiên ngưu tử (sao), bạch chỉ, linh lăng hương, cam tùng, quát lâu nhân - mỗi thứ 100g, trà tử 200g, tạo giác mạt (trái bồ kết tán mịn) 200g. Tất cả đem nghiền thành bột mịn, trộn đều, ngày xoa lên da mặt 3 - 4 lần.
- Chữa mụn trứng cá: Dùng hắc khiên ngưu tử tẩm rượu 3 ngày. Sau đó vớt hạt ra, phơi khô, nghiền thành bột mịn. Trước hết giã gừng tươi vắt lấy nước cốt bôi lên chỗ da bị bệnh, sau đó rắc bột thuốc lên; mỗi ngày 2 - 3 lần.
- Làm mờ các vết đen trên da mặt: Hắc khiên ngưu tử, bạch cương tàm, tế tân, các vị thuốc dùng liều lượng bằng nhau, nghiền thành bột mịn. Hòa với nước ấm để rửa mặt, ngày 3 - 4 lần.
TRAPHACO
Tin nổi bật
Tin tức mới
Bài viết liên quan