Tin tức

Phòng bệnh cho người cao tuổi lúc giao mùa

27/03/2014

Khi thời tiết giao mùa, cơ thể người cao tuổi dễ bị nhiễm các bệnh đường hô hấp do hệ miễn dịch đã suy giảm.

1.Các biện pháp phòng bệnh

Khi thời tiết giao mùa, cơ thể người cao tuổi dễ bị nhiễm các bệnh đường hô hấp do hệ miễn dịch đã suy giảm. Các biện pháp phòng bệnh bao gồm:

- Tăng cường cơ chế miễn dịch bằng chất chống oxy hóa, chẳng hạn dùng thuốc bổ sung dinh dưỡng với thành phần Vitamin A, vitamin C, vitamin E, selen, kẽm hoặc tăng cường rau quả chứa nhiều vitamin C thiên nhiên như cam, chanh, bưởi, cà chua, quýt, su hào, xà lách, giá đậu... để chống lại tình trạng dễ bị các virus và vi khuẩn xâm nhập, gây cảm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

- Người cao tuổi cần tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột bằng cách giữ ấm khi thời tiết chuyển lạnh, lau khô và làm ấm cơ thể khi bị dính nước mưa, ăn các thực phẩm giàu năng lượng khi trời trở lạnh để duy trì cân bằng thân nhiệt. 

- Một điều cần thiết khác là giữ giấc ngủ yên trong đêm vì việc thường xuyên mất ngủ (thường gặp ở người cao tuổi) sẽ làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Có thể đi bộ thong thả 20-30 phút lúc chiều tối, ngâm chân với nước ấm để tạo thư giãn khi đi ngủ, uống một ly sữa ấm trước lúc lên giường để khỏi hạ đường huyết trong đêm dẫn đến mất ngủ. Nên ăn nhiều khoai, củ, bí, bầu, mướp, khổ qua, mồng tơi, rau ngót, rau muống, xà lách. Những thực phẩm này giúp cơ thể hấp thu tryptophan, một amino acid có lợi cho giấc ngủ. Ngược lại, ăn nhiều thịt, cá có nhiều tyrosin sẽ gây hưng phấn dẫn đến khó ngủ...

2. Các biện pháp giải cảm không dùng thuốc 

- Gừng: Chứa tinh dầu diệt nấm, diệt khuẩn, hiệu quả với các chứng viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng nên thường được dùng để trừ cảm lạnh dưới dạng trà gừng nóng, cháo gừng. Gừng cũng thường được nấu canh ăn giải cảm cùng với hành và tía tô.

- Tỏi: Chất kháng sinh Allicin trong tỏi có tính kháng khuẩn, trị các bệnh nhiễm trùng, lại có tính tiêu đàm nên được dùng để trị các bệnh đường hô hấp thường gặp khi bị cảm như viêm họng, viêm phế quản. Canh hành, tỏi, gừng ăn nóng giúp toát mồ hôi, giải cảm.

- Hành: Làm lợi ngũ tạng, giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đường hô hấp và giúp ăn ngon. Riêng hành tây chứa các men tiêu hóa chất đường và lượng vitamin C lớn cùng một lượng canxi đáng kể. Vì thế, hành thường được dùng phối hợp để giải cảm.

- Lá xông: Nguyên liệu thường dùng là lá hương nhu tía, chanh, bưởi, sả, kinh giới, tía tô, gừng, lá lốt... Các loại lá trên thường chứa tinh dầu có các hoạt chất như Eugenol, limonen, phellandren..., giúp sát trùng đường hô hấp khi bốc hơi do đun nóng. Cho các lá vào nồi, đổ nước ngập, đậy kín, đun sôi. Sau đó mang ra, trùm chăn kín, mở nắp nồi từ từ cho hơi nước chứa tinh dầu bốc lên, hít thở thật sâu và chậm để sát trùng đường hô hấp và giúp mồ hôi toát ra. Tuy nhiên, những người thể trạng yếu hoặc quá ốm, bị mất nước nhiều thì không nên xông.

3. Các biện pháp dùng thuốc:

Các trường hợp bệnh  nhẹ có thể dùng các biện pháp không dùng thuốc kể trên, nhưng khi bệnh nặng hơn với các biểu hiện ho nhiều, khó thở, sốt người cao tuổi cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc.

Tin nổi bật

Tin tức mới

Bài viết liên quan

Liên hệ tổng đài miễn cước: 1800 6612