Mar 27, 2017

Ðột quỵ não: Xử trí đúng, hạn chế di chứng

Đột quỵ (Tai biến mạch máu não) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Mỗi năm trên toàn cầu có 17 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong.

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Mỗi năm trên toàn cầu có 17 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong. Ở nước ta, cơ sở hạ tầng của đa số các bệnh viện còn thiếu thốn, nên việc chẩn đoán, xử trí và quản lý bệnh nhân đột quỵ còn gặp nhiều khó khăn. Kiến thức về đột quỵ của người dân cũng còn hạn chế, không nhận biết được các triệu chứng để kịp thời đưa người bệnh đi cấp cứu. Hậu quả là tỷ lệ bệnh nhân bị di chứng chiếm tới 90%.

1. Những người có nguy cơ bị đột quỵ:

-   Người bị bệnh về huyết áp.

-   Rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì

-   Đái tháo đường

-   Các bệnh về tim mạch.

-   Người nghiện thuốc lá, rượu, bia.

-   Thường xuyên thấy đau đầu.

2. Hậu quả của đột quỵ:

Những hậu quả mà đột quỵ để lại cho người bệnh hết sức nặng nề, đặc biệt là di chứng về vận động: liệt tứ chi, liệt toàn thân, liệt nửa người. Ngoài ra, còn có thể có nhiều rối loạn chức năng khác kèm theo như:

-   Rối loạn về ngôn ngữ: nói ngọng, nói khó, miệng méo.

-   Rối loạn thị giác: nhìn đôi, bán manh.

-   Rối loạn cảm giác: tê bì hoặc mất cảm giác nửa người hoặc toàn thân.

-   Rối loạn nhận thức: không nhận biết không gian, thời gian hay bản thân mình.

-   Rối loạn cơ tròn: tiểu tiện không tự chủ.

Sau đó là các biến chứng lâu dài do phải nằm lâu, bệnh nhân bị loét các nơi bị tì đè nhiều, viêm phổi, hay do tiểu tiện không tự chủ nên không ít bệnh nhân xuất hiện viêm nhiễm đường tiết niệu… những biến chứng này có thể dẫn tới tử vong, nhẹ cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

3. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ: Khi một người đang khỏe mạnh bình thường mà đột ngột xuất hiện 1 trong 5 biểu hiện sau:

- Đột ngột nhức đầu dữ dội, chóng mặt, ù tai, choáng váng.

- Đột ngột rối loạn ngôn ngữ: nói khó, nói ngọng.

- Đột ngột xuất hiện ruồi bay trước mắt, mất thị lực

- Đột ngột yếu một bên tay, không cầm nắm được đồ vật, yếu một nửa bên người.

- Suy giảm ý thức nhanh chóng

Khi đó cần ngay lập tức gọi xe cứu thương hoặc xe taxi đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất có chuyên môn sâu về điều trị đột qụỵ (trung tâm đột quỵ) để được cấp cứu kịp thời trong giờ vàng (3 giờ đầu kể từ khi có biểu hiện đầu tiên). Trường hợp tắc mạch sẽ được chỉ định dùng thuốc làm tan cục máu đông hoặc dùng phương pháp để gắp cục máu đông. Cùng đó người nhà bệnh nhân cũng cần biết một số thao tác sơ cứu ban đầu.

4. Biện pháp sơ cứu tại chỗ: 

- Đặt người bệnh nằm nghiêng về bên không liệt.

-  Kiểm tra xem có dị vật  trong miệng để tránh tắc đường thở. Điều quan trọng nhất lúc này là đảm bảo chức năng thở cho bệnh nhân, sau đó kiểm tra tim, đo huyết áp. Nếu bệnh nhân ngừng thở cần hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực (cứ hà hơi thổi ngạt 5 lần thì ấn tim 1 lần).

- Không nên cho bệnh nhân dùng bất cứ một loại thuốc nào vì đôi khi bệnh nhân bị sặc và suy hô hấp.

- Những biện pháp dân gian để sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân  như xoa dầu đánh gió hay trích máu đầu ngón tay là thừa.

Chú ý: Việc dùng kim châm 10 đầu ngón tay nặn máu trong Đông y chỉ đúng với một vài trường hợp bất tỉnh do trúng phong chứ không phải tất cả các trường hợp đột quỵ, do đó không nên để mất thời gian vào những việc không hiệu quả này mà mất đi thời gian vàng cứu sống người bệnh. Cứ 1 phút trôi qua mà người đột quỵ không được điều trị sẽ có 2 triệu nơron thần kinh bị chết đi và tương ứng là sự tàn phế khó hồi phục. Điều này lý giải nếu để muộn không được cấp cứu kịp thời thì tổn thương não càng nặng và càng khó hồi phục.

BS. Nguyễn Văn Thịnh