Tin tức Oct 05, 2018

Giao lưu trực tuyến: Y Dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Với ứng dụng của khoa học công nghệ trong nghiên cứu, bào chế và sản xuất nhiều loại dược liệu, bài thuốc y học cổ truyền - nam dược đã được sử dụng trong chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh hiệu quả. Đặc biệt, nhiều bài thuốc, sản phẩm thuốc từ dược liệu đã giúp điều trị, kiểm soát hiệu quả các bệnh như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng men gan, các rối loạn chuyển hóa (thừa cân, béo phì, tăng mỡ máu…) và hỗ trợ các bệnh nhân ung thư.

PGS-TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (thứ nhất từ trái qua); ThS Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco (thứ hai từ trái qua); PGS-TS Vũ Nam, Giám đốc BV YHCT Trung ương (thứ ba từ trái qua)

Để giải đáp các thắc mắc và chia sẻ về những thành tựu, những bài thuốc hay, sản phẩm mới cũng như các giải pháp hiệu quả trong quản lý và nâng cao chất lượng dược liệu, ngày 4/10/2018, Báo Thanh Niên và Bộ Y tế phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: Y, Dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tới dự buổi giao lưu trực tuyến có sự tham dự của PGS-TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế; PGS-TS Vũ Nam, Giám đốc BV YHCT Trung ương; ThS Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Traphaco. Rất nhiều các câu hỏi hấp dẫn về bệnh học, chất lượng dược liệu, sản phẩm từ dược liệu đã được độc giả gửi đến các khách mời.

Theo một số độc giả quan tâm, thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng dược liệu kém chất lượng, dược liệu không đạt chuẩn, không rõ nguồn gốc, thậm chí là dược liệu rác, dược liệu bị làm giả, dược liệu bị nhuộm màu độc hại đang tồn tại; vẫn còn tình trạng thuốc đông dược, các bài thuốc mang danh y học cổ truyền nhưng bị pha trộn tân dược ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giảm lòng tin của người tiêu dùng với các bài thuốc, sản phẩm thuốc truyền thống.

PGS-TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế; PGS-TS Vũ Nam, Giám đốc BV YHCT Trung ương trả lời độc giả

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, PGS-TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đã có Thông tư 03/2016 quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu, gần đây nhất là Thông tư 13/2018 quy định về quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền theo C/O; C/Q và thông tư 01/2018 về quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu là thuốc. Việc này giúp cho kiểm soát chất lượng dược liệu, ngăn chặn dược liệu kém chất lượng. Hiện nay, việc quản lý dược liệu được thực hiện theo theo quá trình từ nuôi trồng đến phân phối, kết hợp kinh nghiệm với các biện pháp kiểm nghiệm hiện đại. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý đã lấy mẫu nghi ngờ để kiểm nghiệm, sau đó truy xuất nguồn gốc dược liệu đó. Bộ Y tế cũng đã có quy định về điều kiện kinh doanh kho bãi,  nguồn gốc dược liệu và ghi nhãn... Các sản phẩm đạt quy định trên mới được cung ứng vào các cơ sở điều trị.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco chia sẻ, để có một sản phẩm tốt được đưa ra thị trường chúng ta cần kiểm soát rất nhiều các giai đoạn từ nghiên cứu công thức, quy trình sản xuất, cơ sở sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, việc kiểm soát cũng phải từ trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, chế biến dược liệu... Nguồn dược liệu sử dụng để sản xuất  của Traphaco được trồng và thu hái ở những vùng trồng đạt chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới GACP-WHO. Traphaco là đơn vị chủ động áp dụng tiêu chuẩn này để đảm bảo sự phát triển bển vững và hướng theo xu thế thời đại là hướng tới nguyên liệu tự nhiên, trồng theo nguyên tắc sạch và bảo vệ môi trường. Khi áp dụng chuẩn này, chất lượng các sản phẩm của Traphaco luôn được đảm bảo.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco trả lời độc giả

Bên cạnh đó, PGS-TS Vũ Nam, Giám đốc BV YHCT Trung ương cho biết: "Tại bệnh viên, chúng tôi luôn luôn kiểm soát được chất lượng dược liệu đầu vào, thông qua đấu thầu, thông qua kiểm nghiệm dược liệu. Bệnh viện chúng tôi có khoa đông y thực nghiệm để kiểm nghiệm các dược liệu đầu vào đảm bảo hoạt chất, không bị thuốc rác, không bị thuốc giả, thuốc kém chất lượng".

Qua buổi giao lưu trực tuyến, các thắc mắc của độc giả đã được giải đáp một cách thỏa đáng. Để người dân có thể hiểu rõ và yên tâm trong việc ứng dụng y học cổ truyền cũng như sử dụng các sẩn phẩm thuốc từ dược liệu trong việc chăm sóc sức khỏe.

Một số câu hỏi của độc giả:

HỎI:

Bạn XUÂN TRƯỜNG - Nam Định: "Tôi thấy miền Bắc nhiều nơi có cây đinh lăng. Xin cho biết có phải là loại được sử dụng làm thuốc tuần hoàn não không? Cây này được Công ty Traphaco sử dụng làm thuốc dựa trên bài thuốc nào? Tại gia đình nếu tự đun, hãm loại cây này với nước sôi uống thì có tác dụng không? Xin cảm ơn!"

TRẢ LỜI:

THS VŨ THỊ THUẬN  Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Traphaco: "Chào bạn! Chúng tôi rất vui vì bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi cho Traphaco.  Cây đinh lăng có mặt ở rất nhiều nơi nhưng nhiều nhất là ở miền Bắc. Cây đinh lăng thuộc họ nhân sâm, có nhiều loại khác nhau. Trong kháng chiến chống Mỹ còn được gọi là sâm của bộ đội cụ Hồ và được rất nhiều nhà khoa học, các trường nghiên cứu về tác dụng của nó. Traphaco sử dụng loại cây đinh lăng lá nhỏ dựa trên các kết quả khoa học, đặc biệt là luận văn của TS Nguyễn Khắc Viện nghiên cứu tác dụng tăng tuần hoàn não và tăng trí nhớ kết hợp giữa cây đinh lăng và cao lá bạch quả. Trong hơn 20 năm qua, chúng tôi đã hoàn thiện sản phẩm dưới nhiều dạng bào chế cho phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng như: viên nén bao đường dành cho người bình thường; viên nén bao phin dành cho người tiểu đường; dạng dung dịch dành cho người nuốt khó; viên nang mềm hiện đại, tiện sử dụng... Ngoài ra, Traphaco cũng đã thử nghiệm lâm sàng ở BV Y học cổ truyền T.Ư, các bệnh viện tỉnh, tham gia đề tài cấp nhà nước để nâng cao tiêu chuẩn của sản phẩm. Sản phẩm luôn luôn được hoàn thiện được người dân và bác sĩ tin dùng. Với các sản phẩm tăng tuần hoàn não, chúng tôi vui mừng vì sản phẩm được lựa chọn là một trong những sản phẩm đông y nổi tiếng của Việt Nam.

Bên cạnh sử dụng thuốc, người dân có thể nấu đinh lăng để thanh nhiệt, lấy rễ ngâm rượu ... Tuy nhiên, sử dụng dạng này rất phức tạp, mất thời gian, khó bảo quản, vì vậy, người dân nên tiếp cận với những sản phẩm của các nhà máy có dây truyền hiện đại, hiệu quả tốt hơn, tiện lợi khi chúng ta ít thời gian dành cho đun nấu thuốc. Cách đây 20 năm khi chưa phát triển sản phẩm này, cây đinh lăng thường làm cảnh, dùng lá để ăn sống. Sau đó, Traphaco có những nghiên cứu đã mở rộng khai thác sản phẩm này. Từ cây xóa đói giảm nghèo, bây giờ đinh lăng là cây dược liệu quý, cây làm giàu dễ trồng và có hiệu quả tốt sau thu hoạch. Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, chúng tôi rất mừng có thể giúp người dân làm giàu."

HỎI:

Bạn UYÊN - TP.HCM: "Xin ông cho biết sử dụng thuốc y học cổ truyền tại bệnh viện, tại cơ sở điều trị có gì khác với mua thực phẩm chức năng để uống. Với trường hợp của mẹ tôi (62 tuổi) bị mỡ máu cao, có nên tự mua TPCN uống không vì họ quảng cáo cũng làm từ dược liệu. Cảm ơn bác sĩ!"

TRẢ LỜI:

PGS TS Vũ Nam, Giám đốc BV YHCT Trung ương: "Thực phẩm chức năng là thực phẩm để bổ sung còn thuốc là để chữa bệnh. Vì vậy, thuốc cần phải xác định dùng chữa bệnh gì, hiệu quả đến đâu. Còn thực phẩm chức năng thì mọi người đều có thể dùng. Với trường hợp bạn hỏi thì phải xét nghiệm mỡ máu để xem thành phần nào cao, dùng thuốc gì thì phù hợp, thuốc tây y hoặc đông y. Nếu lựa chọn thuốc đông y thì phải lựa chọn những thuốc được Bộ Y tế cho phép lưu hành trên cơ sở đã được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, đảm bảo tính an toàn và có hiệu quả trong chữa máu cao."

HỎI:

Bạn LÂM HẢI - Đồng Nai: "Báo Thanh Niên vừa qua phản ánh về tình trạng dược liệu hoài sơn bị làm giả bằng khoai mì. Vi phạm này đã được xử lý triệt để chưa? Làm sao ngăn chặn dược liệu giả? Xin cảm ơn!"

TRẢ LỜI:

PGS  TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế: "Khoai mì làm giả rất dễ nhận biết, củ sắn có lõi. Với sự việc cụ thể như báo Thanh Niên nêu, Cục Y, Dược cổ truyền lập tức đã có 2 công văn gửi 2 sở Y tế TP.HCM và Đồng Nai phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, thu hồi. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và Sở Y tế 2 địa phương đã đi kiểm tra, nhắc nhở chấn chỉnh các vi phạm. Cục Quản lý Y, Dược cũng đã có công văn đề nghị các sở y tế, các hội đồng thuốc tăng cường kiểm tra, phát hiện dược liệu bị làm giả."

HỎI:

Bạn TRẦN QUANG - Nam Định: "Bộ Y tế từng phát động người Việt nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, tuy nhiên, là nhà sản xuất, bà có thể cho biết yếu tố nào quyết định để người dùng lựa chọn thuốc khi có nhu cầu điều trị?"

TRẢ LỜI:

THS VŨ THỊ THUẬN  Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Traphaco: "Trong Chiến lược thuốc quốc gia, chúng ta cũng kêu gọi ưu tiên sử dụng thuốc nội, nhưng tỷ lệ thuốc nội vẫn chưa cải thiện tốt. Là một trong những doanh nghiệp sản xuất thuốc nội địa, tôi cho rằng bác sĩ là người quyết định sử dụng thuốc bởi bệnh nhân rất tin tưởng bác sĩ khi khám và điều trị. Bác sĩ là người chỉ định, hướng dẫn bệnh nhân từ thuốc điều trị đến thuốc mua tự do ở ngoài. Chúng tôi rất mong muốn cách nhìn nhận của bác sĩ về thuốc nội cần có sự thay đổi. Hiện chúng ta đã có 100 nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn GMP- WHO, không có lý gì mà sản phẩm thuốc nội lại không có tác dụng tương đương như sản phẩm nhập khẩu. Mong rằng bác sĩ có niềm tin vào thuốc nội, không chỉ là vấn đề điều trị mà là vấn đề kinh phí, vì thu nhập người dân vẫn còn thấp. Chúng ta phải chấp nhận giá thấp hơn vài lần nhưng không thể thấp đến vài chục lần. Bệnh nhân sử dụng thuốc ngoại đắt hơn gấp nhiều lần thì bác sĩ nên chăng  tư vấn bệnh nhân sử dụng thuốc nội.  Theo quan sát của chúng tôi, các nước xung quanh chúng ta như Ấn Độ hoặc các nước ASEAN cũng có những loại thuốc chất lượng không đạt. Vì vậy, không có nghĩa thuốc ngoại tốt hơn mà giá tốt hơn. Chúng ta hoạt động trong ngành y dược nên nêu cao y đức hơn các ngành khác để chúng ta lựa chọn hướng dẫn kê đơn cho bệnh nhân. Điều đó giúp chúng tôi phát triển sản xuất, đóng thuế cho nhà nước, tăng ngân sách cho nhà nước, từ đó ngân sách sẽ đầu tư lại cơ sở vật chất cho các bệnh viện, ngành y..."

Còn có rất nhiều các câu hỏi trong chương trình, bạn đọc có thể xem tại:

https://thanhnien.vn/suc-khoe/giao-luu-truc-tuyen-y-duoc-co-truyen-trong-cham-soc-suc-khoe-cong-dong-1009691.html