TGĐ Trần Túc Mã với triết lý “Thương hiệu & sắc đẹp phụ nữ”

Thương hiệu giống như sắc đẹp của người phụ nữ, rất dễ “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”. Chỉ một lần lười “che chắn” dưới ánh nắng mặt trời tháng sáu là nước da trắng hồng bỗng… đen nhẻm.
Có một thương hiệu không chỉ khách hàng mà có lẽ không người Việt Nam nào không biết, dù người đó có hay không, đã hay chưa dùng đến sản phẩm này. Đó là Dược phẩm Traphaco. Nói một cách hình ảnh, thương hiệu này đã nằm trong tâm trí của người Việt đến độ, dù chỉ “đau đầu” hay “chán ăn”, hầu như người ta đều nhớ đến thương hiệu này.

Ngày 29.9.2016 tới đây, tại KS Intercontinental Sài Gòn, Forbes công bố và vinh danh các doanh nghiệp nằm trong bảng xếp hạng Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam. Đây cũng là lần thứ 4 liên tiếp, đơn vị này nằm trong nhóm đầu của bảng xếp hạng dựa trên sự đánh giá lựa chọn khách quan từ hơn 300 thương hiệu và loại bỏ những thương hiệu nước ngoài dù được sản xuất trong nước. Lần trước đó, Traphaco xếp thứ 31 trong bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam và được định giá 25,5 triệu USD .

Nhân dịp này, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Túc Mã - TGĐ Traphaco.

Xin chúc mừng Traphaco nhân sự kiện này và xin hỏi, cảm giác đón nhận thông tin này của ông?

Tôi xin nói luôn, mừng, rất mừng hơn tất cả các lần trước.

Vì sao lại như vậy, thưa ông?

Tất nhiên, cảm giác lần đầu là bồi hồi và xúc động rồi đến lần thứ hai, thứ ba là những nỗ lực cần phấn đấu. Nhưng người Việt ta có câu: “Quá tam ba bận”. Cái con số 3 nó là sự khẳng định qua một quá trình. Nói thế nào nhỉ? À, ví như đối với một con người, một đứa trẻ mới sinh, sau 3 tháng thì các cụ gọi là qua “cữ”. Ngày xưa trẻ con trước ba tuổi chưa được đặt tên, chỉ gọi là “thằng cu”, “cái hĩm”… Rồi phải đến khi 30 tuổi mới “tam thập nhi lập”. Đối với một thương hiệu cũng thế, bước qua được con số 3 là khẳng định sự vững mạnh, lâu bền.

Cách đây mấy tháng (8/5/2016), nhân dịp Traphaco được vinh danh là 1 trong 10 doanh nghiệp sản xuất lớn được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trả lời phỏng vấn Dân trí, ông có nói đến 5 yếu tố tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Điều này giờ đây có thay đổi?

Không. Chúng tôi vẫn trung thành với chiến lược phát triển thương hiệu dựa trên nền tảng chất lượng sản phẩm bằng tinh thần quyết tâm, chủ động và ý thức trách nhiệm của người lao động đặc biệt là người đứng đầu. Muốn làm điều này, không có cách nào khác là biết chia sẻ lợi ích với đa số những người chịu chi phối. Không ai chấp nhận việc chăm chăm thu lợi về cho mình mà không quan tâm đến lợi ích của người khác. Mặt khác, phải chọn được đơn vị tư vấn, cung cấp dịch vụ phù hợp và một khâu quan trọng, đó sự đồng lòng của tập thể lãnh đạo và toàn thể doanh nghiệp. Tất nhiên, để có một thương hiệu trên thương trường, dù nhỏ nhất cũng không thể bỏ qua khâu truyền thông, quảng bá thương hiệu. Đây là khâu rất khó bởi phụ thuộc vào trình độ dân trí, nhận thức cá nhân và cả phong tục, tập quán của từng miền đất.

Thực tế cho thấy trên thương trường, không ít sản phẩm có giá trị tương đương nhưng sản phẩm nào có thương hiệu thì giá cả thường cao hơn rất nhiều…?

Đúng là như vậy và không có nghĩa là người tiêu dùng không tinh tường mà bởi thương hiệu chính là sự bảo lãnh cho sản phẩm đó. Người ta cần một niềm tin. Vì thế, để có một thương hiệu là cả một quá trình dài, thậm chí rất dài những nỗ lực bảo vệ thương hiệu. Chúng tôi thường nói đùa rằng thương hiệu giống như sắc đẹp của người phụ nữ, rất dễ “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”. Chỉ một lần lười “che chắn” dưới ánh nắng mặt trời tháng sáu là nước da trắng hồng bỗng… đen nhẻm.

Nhân nói đến niềm tin, ông nghĩ gì về hai từ “y đức”?

Tôi nghĩ nghề nào cũng cần phải có tâm, có đức. Tuy nhiên, nghề y thì càng cần hơn bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và cả tính mạng con người. Làm nghề này, khoảng cách giữa công và tội cách nhau nhỏ như sợi tóc nên không được phép tham. Thậm chí, không cho phép lơ là trách nhiệm bởi hậu quả là khôn lường.

Ông đã nói về y đức, về “ sắc đẹp” phụ nữ và về niềm tin thương hiệu, song cuối cùng, nó phản ánh như thế nào trong lĩnh vực kinh doanh mà cụ thể ở đây là những con số?

Tôi có thể minh chứng như thế này. Năm 2015, doanh thu Traphaco đạt 1.974 tỉ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế trên 180 tỉ đồng, tăng trên 23% so với năm 2014, dẫn đầu ngành dược về tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Việc thay đổi hệ thống bán buôn có số lượng khách hạn chế chuyển sang bán lẻ đã mang về cho Traphaco trên 22 ngàn khách hàng bán lẻ.

Năm 2016, Traphaco đặt kế hoạch tổng doanh thu bán hàng 2.100 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó hàng sản xuất và độc quyền phân phối ước đạt 1.500 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước đạt 210 tỷ đồng. Mục tiêu được đặt ra cho nhiệm kỳ 2016 - 2020 là tăng trưởng tổng doanh thu ít nhất 12%/năm, tăng trưởng lợi nhuận 15%/năm.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhất là lại so sánh khác lĩnh vực như Vinamilk (xếp thứ 1), Viettel (thứ 2), Vingroup (thứ 3)…

Vâng. Rút ngắn khoảng cách đang là mục tiêu của chúng tôi trong những năm tới và chúng tôi tin tưởng ở điều này.

Xin cám ơn ông.

Trích nguồn: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/tgd-tran-tuc-ma-voi-triet-ly-thuong-hieu-sac-dep-phu-nu-20160928093235558.htm